Author Archives: Bảo Trâm

Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn

Sáng 21-3, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn ‘Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn’.

Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế như: Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh; nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình; và già hóa dân số. Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số.

Gần đây, khái niệm “Chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai.

Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.

Bên cạnh chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng chuyển đổi số; một số thành tựu trong chuyển đổi số trong ba trụ cột của nền kinh tế phát triển bền vững: Sản xuất, ngân hàng và thương mại điện tử; tầm quan trọng của 5G đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo; những cơ chế chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững…

Theo ông David Linden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden cho hay, chuyển đổi số mang lại những giá trị khác nhau đối với từng tổ chức, vì vậy việc đưa ra một câu trả lời chung là rất khó. Tuy nhiên, những đóng góp của chuyển đổi số cho hiệu quả kinh doanh tổng thể thường liên quan đến việc sử dụng các nền tảng số để tăng hiệu suất và hiệu quả cho hoạt động hàng ngày. Việc kết nối mọi người cho từng quy trình kinh doanh không chỉ làm giảm lãng phí, mà còn là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Urs KLOETI, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen thông tin, nhờ chuyển đổi số, chúng tôi tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững. Nhà máy Nestlé Bông Sen đã đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm; giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành tay nghề cao.

Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/chuyen-doi-so-nhanh-hon-thong-minh-hon-xanh-hon-722428

Sắp diễn ra diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023

Tháng 4 này, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) sẽ tổ chức sự kiện thường niên Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 (VOBF 2023) với chủ đề “Smart-Ecommerce” tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, năm nay, VOBF 2023 lựa chọn chủ đề “SMART E-COMMERCE” là chủ đề chính của diễn đàn. Trong đó, Smart Tech và Smart Solutions là hai khía cạnh quan trọng nhất.

Khai thác góc nhìn “thông minh” (smart) trong thương mại điện tử, diễn đàn tập trung sâu về các xu hướng thương mại điện tử hiện nay và tương lai, các mô hình kinh doanh, giải pháp cho thương mại điện tử trong thời gian tới.

“Thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2023 khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, “Smart E-commerce sẽ là câu chuyện dài mà rất nhiều các chuyên gia và các thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Tiktok, Amazon, Lazada, Nielsen, Accesstrade, Gosell, Haravan,… sẽ chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm nay” ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ.

VOBF năm nay sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/04/2023 và tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 20/04/2023 với quy mô hơn 2500 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Thương mại điện tử tại Việt Nam và quốc tế.

Tại mỗi thành phố, diễn đàn diễn ra cả ngày từ 8:00 đến 17:30, và được tổ chức gồm bốn phiên, hai phiên buổi sáng và hai phiên buổi chiều. Trong đó, mỗi phiên sẽ gồm 3-4 bài trình bày chính đến từ các chuyên gia đầu ngành, các lãnh đạo doanh nghiệp và 1 phần tọa đàm để người tham dự có thể hỏi – đáp cùng chuyên gia và khai thác sâu hơn về các chủ đề được chia sẻ trong phiên.

Bên cạnh đó, một số chủ đề nóng và đang nhận được nhiều sự quan tâm cũng sẽ được các diễn giả và chuyên gia trao đổi, phân tích tại diễn đàn, như:

  • Nghiên cứu thị trường về hành vi người tiêu dùng thông minh khi mua sắm và thận trọng chi tiêu
  • Xu hướng TMĐT và Mô hình kinh doanh TMĐT thông minh
  • Mô hình phân phối mới và phương pháp sử dụng hiệu quả KOC/KOL
  • AI ứng dụng trong TMĐT
  • Ứng dụng công nghệ thông minh để tăng trưởng đột phá trên TMĐT
  • Giải pháp tài chính thông minh cho thương mại điện tử
  • Phương pháp tăng trưởng đơn hàng thông minh trên Amazon dành cho SMEs xuất khẩu trực tuyến
  • Case study từ các thương hiệu lớn triển khai chiến dịch TMĐT hiệu quả: Branding và Performance
  • Case study về quy trình ứng dụng công nghệ tối ưu quản trị hoạt động TMĐT trong Bán Lẻ – F&B – Xuất khẩu trực tuyến

Diễn đàn toàn cảnh là một trong những sự kiện được cộng đồng đón chờ trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Trần Văn Trọng – Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, “diễn đàn VOBF 2023 có sự tham gia của rất nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh trong mảng thương mại điện tử. Ngoài ra, sự có mặt của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội bạn, các cơ sở đào tạo về thương mại điện tử trên khắp cả nước cũng góp phần làm cho các nội dung của diễn đàn lan tỏa rộng khắp đến công chúng, giúp thương mại điện tử đến gần với công chúng hơn.”

Bên cạnh các phiên chính với sự tham gia của nhiều chuyên gia, năm nay, diễn đàn còn có phiên kết nối (networking) các chuyên gia với người tham dự tại sự kiện vào cuối ngày. Đây là một hoạt động mới trong khung chương trình VOBF các năm qua, hứa hẹn tạo ra nhiều hoạt động kết nối, giao thương, học hỏi từ chính những người tham dự.

Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) được tổ chức bởi VECOM từ 2017 đến nay là sự kiện thường niên quy tụ đông đảo cộng đồng thương mại điện tử. Sau 6 năm tổ chức, diễn đàn đã tạo ra sức lan tỏa rộng khắp, trở thành một điểm đến giá trị và nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi vô cùng quý báu đối với ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam.

Cổng đăng ký tham gia sự kiện sẽ chính thức mở từ 15/03/2023 đến hết ngày 16/04/2023 với 4 loại vé cho người tham dự có thể lựa chọn, gồm: General, Titanium, Platinum và Diamond.

Để biết thêm thông về sự kiện, đăng ký tham dự hoặc trở thành nhà tài trợ của Diễn đàn, vui lòng truy cập vobf.vecom.vn hoặc email trực tiếp đến: event@vecom.vn để được hỗ trợ.

Theo https://thuonggiathitruong.vn/sap-dien-ra-dien-dan-toan-canh-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2023/

GPT-4 ‘cao thủ hơn’ ChatGPT

OpenAI vừa ra mắt GPT-4, phiên bản mới nhất của chatbot trí tuệ nhân tạo rất được ưa chuộng ChatGPT.

Phiên bản mới này có thể đưa ra câu trả lời với đầu vào dữ liệu là hình ảnh – chẳng hạn gợi ý cho bạn công thức nấu ăn từ các bức ảnh nguyên liệu bạn có trong tủ lạnh, cũng như viết caption và mô tả hình ảnh.

GPT-4 cũng có thể xử lý được tới 25.000 từ, gấp khoảng 4 lần so với ChatGPT.

Hàng triệu người đã sử dụng ChatGPT kể từ khi chatbot này được tung ra hồi tháng 11/2022.

Những yêu cầu phổ biến của người dùng bao gồm sáng tác bài hát, viết thơ, viết nội dung marketing, code máy tính và giúp làm bài tập về nhà – mặc dù các giáo viên nói học sinh không nên dùng nó.

ChatGPT trả lời các câu hỏi bằng ngôn ngữ như của người, và nó cũng có thể bắt chước cách viết của người sáng tác bài hát hay các tác giả, trên cơ sở kiến thức internet của năm 2021.

Có không ít lo ngại rằng một ngày ChatGPT sẽ thay thế nhiều công việc hiện do con người đảm nhận.

OpenAI nói họ dành sáu tháng qua để tăng cường các tính năng an toàn cho GPT-4, và đã dạy chatbot này về góp ý của con người. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng GPT-4 vẫn dễ chia sẻ thông tin thất thiệt.

GPT-4 lúc đầu sẽ chỉ dành cho những ai trả tiền dùng ChatGPT Plus hàng tháng, với chi phí $20/tháng để tiếp cận dịch vụ premium.

GPT-4 được dùng cho động cơ tìm kiếm Bing của Microsoft. Hãng công nghệ khổng lồ này đã đầu tư 10 tỷ $ cho OpenAI.

Trong một buổi demo trực tuyến, GPT-4 đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi phức tạp về thuế – tuy nhiên không có cách nào để kiểm chứng câu trả lời này.

GPT-4, cũng như ChatGPT, là một loại trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh). AI tạo sinh dùng các thuật toán và văn bản để tạo ra các nội dung mới dựa trên các dữ liệu đầu vào.

GPT-4 có “nhiều kỹ năng tư duy tiên tiến hơn” so với ChatGPT, hãng OpenAI cho biết. Chẳng hạn, phiên bản này có gợi ý thời gian họp thích hợp cho ba lịch làm việc khác nhau.

OpenAI cũng tuyên bố các kế hoạch hợp tác mới với ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo và Be My Eyes, một ứng dụng cho người khiếm thị, để tạo ra các Chatbots dùng AI giúp người dùng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên của họ.

Tuy nhiên, cũng như phiên bản tiền nhiệm GPTChat, GPT-4 hiện vẫn chưa hoàn toàn đáng tin cậy và có thể “gây ảo giác” – một hiện tượng khi AI tự nghĩ ra chuyện hay mắc lỗi tư duy.

Theo https://thuonggiathitruong.vn/gpt-4-cao-thu-hon-chatgpt/

Cách phòng tránh cuộc gọi lừa đảo như ‘con đang cấp cứu’

Ứng dụng Truecaller có thể giúp giảm thiểu tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác thông qua dữ liệu do chính cộng đồng người dùng đóng góp.

Cuộc gọi rác, tin nhắn rác là một vấn nạn hiện nay. Nhiều tin nhắn rác nhạy cảm từ người gửi “Tinh 1 Dem”, “hen ho”, “gai ***”… lọt qua bộ kiểm soát spam của smartphone. Những cuộc gọi lừa đảo cũng rất phổ biến, gần đây là kiểu lừa “con gặp tai nạn” để phụ huynh chuyển tiền. Bên cạnh đó, các cuộc gọi mời chào dịch vụ ngân hàng, nghỉ dưỡng, mở tài khoản chứng khoán… cũng khiến người dùng khó chịu.

Tuy vấn đề này đã diễn ra khá lâu, những gì người dùng có thể làm chỉ là chặn từng số điện thoại một hoặc phản hồi khi nhà mạng hỏi ý kiến về cuộc gọi vừa nghe. Song, họ vẫn tiếp tục bị làm phiền khi những nhóm lừa đảo liên tục đổi số, đổi địa chỉ nhắn tin, gọi điện.

Tự động chặn cuộc gọi spam

Để bảo vệ bản thân trước các cuộc gọi làm phiền, lừa đảo, người dùng có thể sử dụng app Truecaller, giúp nhận biết và ngăn chặn các số lạ, gọi làm phiền thông qua dữ liệu do chính cộng đồng người dùng đóng góp. Với ứng dụng này, họ sẽ chặn được những cuộc gọi ngoài danh bạ nhưng vẫn giữ cho điện thoại kết nối phòng khi khẩn cấp.

Ứng dụng này hiện có sẵn trên cả App Store và Google Play Stores với cộng đồng 320 triệu người dùng, 500 triệu lượt tải về và 10 tỷ cuộc gọi làm phiền chặn thành công. Để sử dụng, người dùng chỉ cần tải về từ kho ứng dụng, sau đó cấp quyền Truecaller làm app nhận dạng người gọi và chặn cuộc gọi làm phiền mặc định.

Chan cuoc goi spam anh 1

Truecaller sẽ yêu cầu cấp quyền để chặn cuộc gọi, tin nhắn spam.

Tiếp theo, người dùng cần xác minh số điện thoại, tạo hồ sơ tài khoản cá nhân bằng cách cung cấp họ và tên, tài khoản email, ảnh đại diện trong ứng dụng. Tại đây, người dùng có thể kiểm soát quảng cáo xuất hiện như bật/tắt cá nhân hóa quảng cáo, bật/tắt nhận thông tin về ưu đãi và các chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Sau khi cài đặt Truecaller, người dùng cũng có thể có nhiều tùy chọn chặn số lạ khác nhau như chặn những số gửi spam nhiều nhất, chặn số điện thoại ẩn, chặn số từ nước ngoài hay chặn các số không có trong danh bạ điện thoại. Truecaller còn cho phép người dùng chặn thủ công một số điện thoại bất kỳ hay tìm kiếm số điện thoại trên thanh tìm kiếm để xác định xem đó có phải số làm phiền hay không.

Truecaller sẽ tự động xếp loại các cuộc gọi vào 4 nhóm khác nhau bao gồm “thường”, “ưu tiên”, “làm phiền” và “doanh nghiệp” với các màu sắc khác nhau. Khi có cuộc gọi đến, người dùng sẽ dựa trên màu sắc tương ứng để nhận biết cuộc gọi spam. Với những cuộc gọi được xác định là làm phiền, điện thoại sẽ không reo chuông hay sáng màn hình, trong khi đầu dây bên kia đối phương lại nhận thông báo máy bận.

Chan cuoc goi spam anh 3

Truecaller sẽ tự động đánh dấu các cuộc gọi là spam dựa trên dữ liệu từ cộng đồng.

Điểm nổi bật khác của Truecaller là kết hợp hai nguồn dữ liệu cho hệ thống nhận diện số lạ: từ danh bạ điện thoại và từ cộng đồng đóng góp. Trong đó, nguồn đóng góp từ cộng đồng được hình thành nhờ những báo cáo của người dùng. Nếu một số điện thoại bị báo cáo là “quảng cáo mua bảo hiểm”, người dùng khi nhận được cuộc gọi từ số này sẽ thấy dòng chữ “quảng cáo mua bảo hiểm” nhằm cảnh báo.

Hạn chế của Truecaller

Mặc dù rất hiệu quả trong việc ngăn chặn cuộc gọi và tin nhắn rác trên smartphone, Truecaller vẫn còn hạn chế nhất định. Ứng dụng có thể nhầm lẫn các số điện thoại bình thường là spam và cho ra kết quả sai.

Bên cạnh đó, Truecaller cũng không thể nhận biết tất cả cuộc gọi làm phiền bởi những nhóm người này có rất nhiều cách đổi số, địa chỉ gửi tin nhắn để qua mặt người dùng. Do đó, ứng dụng này sẽ hiệu quả trong việc cảnh báo người dùng và giảm bớt tình trạng bị lừa hơn là giải quyết triệt để vấn nạn này.

Chan cuoc goi spam anh 5

Truecaller cho phép người dùng quản lý những thông tin cá nhân được chia sẻ.

Thông thường, khi hoạt động dưới nền, Truecaller cũng không chiếm quá nhiều quyền và bộ nhớ. Chỉ khi có cuộc gọi đến, ứng dụng mới hoạt động và nhận dạng các cuộc gọi spam cho người dùng.

Bên cạnh đó, bảo mật thông tin cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Truecaller khẳng định đây là một ứng dụng an toàn, người dùng có thể an tâm cấp quyền thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Các thông tin mà Truecaller thu thập sẽ bao gồm tên, số điện thoại, email, danh bạ điện thoại.

Người dùng không thể nhập tên để tìm số điện thoại một người bất kỳ trên Truecaller. Ngược lại, toàn bộ thông tin hiển thị khi có người tìm kiếm số điện thoại của bạn trên Truecaller cũng chỉ bao gồm tên và những thông tin mà bạn công khai. Trong ứng dụng, bạn cũng có thể vào mục Cài đặt > Trung tâm Quyền riêng tư để quản lý dữ liệu cá nhân và khóa tài khoản bất cứ lúc nào.

Theo https://zingnews.vn/giai-phap-chan-nhung-cuoc-goi-lam-phien-lua-dao-post1412162.html

Việt Nam và con đường khẳng định lại vị thế trên bản đồ cà-phê thế giới

Là quốc gia xuất khẩu cà-phê lớn thứ 2 thế giới nhưng giới chuyên gia nhận định những tác động từ Việt Nam lên thị trường thế giới chưa thực sự tương xứng với vị thế hiện tại. Vậy thực tế Việt Nam đang ở đâu và cần làm gì để đưa ngành cà-phê phát triển với đúng tiềm năng cũng như vị thế hiện tại.

(Ảnh: Booking.com)

(Ảnh: Booking.com)

Vai trò của quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới

Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam được biết đến là quốc gia cung ứng cà-phê lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt với mặt hàng Robusta, chúng ta là nước thống trị nguồn cung với khoảng 40% thị phần trên toàn cầu.

Tuy nhiên, rất nhiều tranh luận nổ ra về việc chúng ta chưa khai thác được hết lợi thế của vị trí hiện tại trên bản đồ cà-phê thế giới để khẳng định tầm quan trọng của cà-phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà-phê toàn cầu.

Cùng lật lại quá khứ, trong thời điểm 2 tháng đầu năm 2023, giá Robusta giao dịch trên Sở ICE London bắt đầu xu hướng tăng mới khi Việt Nam đang là nguồn cung lớn duy nhất có sẵn trên thị trường.

Việc nông dân hạn chế bán hàng trước và trong dịp Tết Nguyên đán khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh trong tháng 1 cũng như 2 tháng đầu năm.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà-phê trong tháng 1 tại Việt Nam đạt 160.000 tấn, giảm mạnh gần 40% so cùng kỳ năm 2022 và lũy kế trong 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức giảm gần 8% so 2 tháng đầu năm ngoái.

Đây cũng là lý do được giới phân tích trong nước và quốc tế nhận định là nguyên nhân chính cho sự đà tăng của giá Robusta đang giao dịch. Điều này như một tín hiệu cho thấy vai trò của Việt Nam đối với thị trường Robusta trên thế giới.

Tuy vậy, sự quan trọng trên chỉ đến từ khối lượng trong xuất khẩu thô của Việt Nam, dòng sản phẩm vốn mang lại giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị của ngành cà-phê.

Ở trên các khía cạnh khác như giá trị và sự phát triển bền vững của ngành cà-phê, nước ta dường như vẫn chưa đặt đúng trọng tâm cũng như chưa thể hiện được đúng như vị thế.

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, hiện Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu cà-phê nào nằm trong nhóm 10 các thương hiệu cà-phê lớn được ghi nhận. Sự cạnh tranh đến từ các cửa hàng cà-phê lớn đã nhiều lần làm điêu đứng các nhãn hàng cà-phê Việt ngay trong thị trường nội địa, thí dụ như sự đổ bộ của Starbucks trong những năm gần đây.

Nâng cao giá trị của cà-phê xuất khẩu để khẳng định vị thế hiện tại trên bản đồ thế giới

Như đã đề cập ở trên, phần đa cà-phê xuất khẩu của Việt Nam là ở dạng thô, chưa qua chế biến với giá trị gia tăng thấp. Do đó, cách giải quyết vấn đề chính là xuất phát từ gốc rễ của nó, từ việc nâng cao giá trị cho cà-phê xuất khẩu bằng cách chuyển hướng từ xuất thô sang các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn như cà-phê chế biến, cà-phê đặc sản.

Việc chuyển hướng này không chỉ giúp ngành cà-phê Việt Nam gia tăng giá trị mà còn vì tương lai phát triển bền vững của ngành khi việc mở rộng diện tích để tăng giá trị không còn là ưu tiên hàng đầu do các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu mới ban hành lệnh cấm nhập khẩu cà-phê có liên quan nạn chặt phá rừng.

Cà-phê là một nét văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng, muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để giao cảm xúc của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

Không chỉ dừng lại ở việc chế biến tinh để nâng cao giá trị, việc đưa giá trị văn hóa vào từng sản phẩm cà phê để tạo nên sự đặc biệt cho cà-phê Việt Nam cũng là một hướng giải quyết đang được chú ý. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu trong hội thảo “Tăng giá trị cho cà-phê Việt, cách nào” :“Cà-phê là một nét văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng, muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để giao cảm xúc của người tiêu dùng”.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng nội địa để phát triển bền vững

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu để khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới, một bài toán vô cùng quan trọng để nâng cao chuỗi giá trị cho ngành cà-phê Việt Nam đó là việc tập trung khai thác tiềm năng trong nước.

Là quốc gia gần 100 triệu dân với hơn 300.000 cửa hàng cà-phê lớn nhỏ đang hoạt động với tốc độ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2016-2022 vào khoảng 2%, nhu cầu về tiêu thụ cà-phê trong nước của Việt Nam đang cho thấy triển vọng rất lớn.

Hơn nữa, tỷ lệ tiêu thụ cà-phê trên đầu người của Việt Nam đang ở mức rất thấp, chỉ 2 kg/người/năm, thấp hơn rất nhiều so nước xuất khẩu lớn như Brazil với 5,8kg/người/năm hay các nước nhập khẩu hàng đầu như Mỹ với 4,2kg/ người/năm và Phần Lan 12kg/người/năm.

Không chỉ vậy, trung bình tỷ lệ tiêu thụ cà-phê trong nước chỉ đạt khoảng 10% trong 10 năm trở lại đây, thấp hơn rất nhiều so các nước xuất khẩu lớn như Brazil và Indonesia khi dao động từ 25-30% sản lượng cà-phê sản xuất ra. Điều này cho thấy không gian rộng lớn trong việc đẩy mạnh tiêu thụ cà-phê trong nước để góp phần phát triển ngành cà-phê của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có những biến động lớn về nhu cầu tiêu thụ cà-phê do lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng, những yêu cầu khắt khe hơn của thị trường nước ngoài trong chất lượng và nguồn gốc cà-phê, việc ưu tiên phát triển thị trường nội địa làm nền nảng sẽ giúp ngành cà-phê Việt Nam ổn định hơn trước những sóng gió của thị trường quốc tế.

Như vậy, với vai trò là quốc gia xuất khẩu cà-phê nói chung lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam đã phần nào cho thấy được tầm quan trọng của mình đối với nguồn cung toàn cầu cũng như diễn biến xu hướng giá.

Tuy nhiên, việc khẳng định vị thế tại không chỉ dừng lại ở đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc gia tăng giá trị trên thị trường quốc tế đồng thời tập trung khai thác triển vọng phát triển của thị trường nội địa để cà-phê Việt Nam ngày càng chứng minh vị thế quan trọng trên bản đồ cà-phê quốc tế.

Theo https://nhandan.vn/viet-nam-va-con-duong-khang-dinh-lai-vi-the-tren-ban-do-ca-phe-the-gioi-post742990.html

preloader